Trang chủ / Tin tức
Tin tức

Khát khao theo đuổi canh tác lúa bền vững

23-02-2024 08:02

Ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc điều hành HTX nông nghiệp Vọng Đông chia sẻ những thành công bước đầu của quy trình canh tác lúa hữu cơ ứng dụng cơ giới hóa.

Lúa của Vọng Đông đáp ứng 37/41 tiêu chuẩn canh tác lúa bền vững. Ảnh: Quỳnh Chi.

Lúa của Vọng Đông đáp ứng 37/41 tiêu chuẩn canh tác lúa bền vững. Ảnh: Quỳnh Chi.

Lúa hữu cơ đáp ứng 37/41 tiêu chuẩn SRP

Hợp tác xã nông nghiệp Vọng Đông (HTX Vọng Đông) ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang ngày càng khẳng định vị thế của mình với định hướng canh tác lúa hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa trên diện tích 110ha. Hiện nay, HTX có 107 thành viên, trong đó có 15 thành viên sáng lập; 57 thành viên liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; 35 thành viên sử dụng dịch vụ gồm cung ứng vật tư đầu vào (hữu cơ, sinh học), phun thuốc, sạ lúa công nghệ cao, sử dụng nước tưới tiêu…

Nông dân HTX Vọng Đông nhận thấy, việc theo đuổi tiêu chuẩn SRP (Sustainable Rice Platform) về canh tác bền vững trong sản xuất lúa đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Bà con cải tạo đất bằng cách bón lót phân hữu cơ trước khi gieo sạ. Mô hình này giúp giảm dần lượng phân hóa học qua từng vụ, tăng độ phì nhiêu cho đất, từ đó cải thiện sức khỏe người trồng lúa và gia tăng giá trị sản phẩm gạo.

Cùng phương pháp bón phân thân thiện với môi trường, HTX Vọng Đông đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe từ các doanh nghiệp xuất khẩu. Lúa của HTX Vọng Đông đáp ứng 37/41 tiêu chuẩn SRP và không sử dụng 15 hoạt chất hóa học có khả năng gây hại cho sức khỏe con người. Điều này đã làm nền tảng vững chắc để ban lãnh đạo HTX có thể đàm phán giá bán sản phẩm với giá cao hơn từ 300 - 400đ/kg so với thị trường.

Mô hình 23,5ha lúa sạ cụm tại HTX Vọng Đông. Ảnh: Quỳnh Chi.

Mô hình 23,5ha lúa sạ cụm tại HTX Vọng Đông. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc điều hành HTX Vọng Đông chia sẻ: “Thế giới đã chứng minh sự thành công của nông nghiệp hữu cơ. Tôi cho rằng định hướng tăng trưởng xanh, bền vững của nông nghiệp nước ta là quan điểm đúng đắn. Do đó, chúng tôi quyết tâm theo đuổi nông nghiệp hữu cơ, giảm phát thải. Đây là điều tất yếu, là điều chúng tôi muốn để lại cho con cháu sau này”.

Theo đó, HTX Vọng Đông đã được cấp mã số vùng trồng, phục vụ truy xuất nguồn gốc, chuẩn hóa quy chuẩn giảm phát thải. Bên cạnh đó, HTX cũng hợp tác với Viện Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp hữu cơ Á Châu (AOI) để triển khai mô hình nông nghiệp hữu cơ. Những tiến bộ này thể hiện nỗ lực giảm thiểu sử dụng hóa chất độc hại, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho nông dân.

Hơn 110ha lúa của HTX Vọng Đông đã được cấp mã số vùng trồng.

Hơn 110ha lúa của HTX Vọng Đông đã được cấp mã số vùng trồng.

Ứng dụng cơ giới hóa giúp hạt lúa sáng, chắc

Năm 2022, các thành viên HTX Vọng Đông thăm triển lãm Agritechnica Asia Live tại Viện Lúa ĐBSCL và rất ấn tượng với trình diễn cơ giới hóa khâu gieo sạ bằng máy sạ cụm. Sau buổi hôm đó, họ đã quay về HTX, đề xuất mua thiết bị này. Hiểu được những cơ hội để chuyển đổi thói quen canh tác, HTX Vọng Đông đã đầu tư máy cày chuyên sạ cụm trị giá 580 triệu đồng, trong đó được hỗ trợ 50% kinh phí từ Nhà nước thông qua chương trình khuyến nông quốc gia.

Theo đánh giá của HTX, lúa sạ cụm cho năng suất, chất lượng tốt hơn so với lúa sạ lan. Bao lúa sạ cụm sau thu hoạch có trọng lượng từ 60 - 65kg, trong khi bao lúa sạ lan ít khi vượt quá 60kg. Điều này là chứng minh rõ ràng về hiệu quả của canh tác lúa áp dụng cơ giới hóa khâu gieo sạ.

“Một điều thú vị mà chúng tôi đã phát hiện là tỉ lệ thu hồi gạo cao khi áp dụng sạ cụm. Gạo từ lúa sạ cụm no hạt hơn nên giữ được hình dạng và chất lượng hạt gạo trong quá trình chế biến. Điều này rất quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường vì hạt gạo không bị vỡ trong quá trình xay xát”, ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc điều hành HTX phân tích.

Ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc điều hành HTX Vọng Đông. Ảnh: Quỳnh Chi.

Ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc điều hành HTX Vọng Đông. Ảnh: Quỳnh Chi.

Trước đây, HTX Vọng Đông sạ lan, sử dụng khoảng 300kg giống/ha, nhưng sau quá trình cơ giới hóa, con số này giảm xuống chỉ còn khoảng 120kg giống/ha đối với sạ máy bay không người lái (drone) và 60kg/ha đối với sạ cụm. Cây lúa sạ cụm có sự phân bố không gian hợp lý, không chen chúc, từ đó mỗi cây lúa có đủ vi chất dinh dưỡng từ đất, nước, cũng như quang hợp ánh sáng tốt hơn.

Ông Cường nói: “Khối lượng hạt giống lúa gieo sạ giảm đột ngột khiến nhiều người không yên tâm. Họ sợ tới khi thu hoạch thì không có gì mà ăn! Nông dân mình vậy đó, mất một thời gian thì mới thay đổi tập quán.

Nhiều người, mặc dù ban đầu không tin tưởng, nhưng sau một thời gian họ cũng nhận ra việc giảm sử dụng thuốc hóa học không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe con người. Họ đã chứng kiến hiệu quả kinh tế, môi trường khi không cần phải phun thuốc cho lúa theo chu kỳ 7 ngày/lần mà vẫn đảm bảo chất lượng, sản lượng. Nhìn chung, nông dân HTX Vọng Đông ngày càng tiến bộ, đã có nhận thức đúng về canh tác lúa thông minh”.

Cây lúa sạ cụm không chen chúc nhau nên mỗi cây có đủ vi chất dinh dưỡng từ đất, nước, cũng như quang hợp ánh sáng tốt hơn. Ảnh: Quỳnh Chi.

Cây lúa sạ cụm không chen chúc nhau nên mỗi cây có đủ vi chất dinh dưỡng từ đất, nước, cũng như quang hợp ánh sáng tốt hơn. Ảnh: Quỳnh Chi.

Cùng với việc giảm lượng giống sạ, cơ giới hóa cũng đã thay đổi thói quen phun thuốc bảo vệ thực vật của người dân địa phương. Trước đây, họ thường phun thuốc 6 - 7 lần/vụ, nhưng nay chỉ còn 2 - 3 lần/vụ. Đặc biệt, trong 40 ngày đầu, không cần phải phun thuốc để thiên địch tự phát triển.

Những kết quả trên khẳng định rằng tới đây, cơ giới hóa trong gieo trồng lúa sẽ tiếp tục phát triển và trở thành xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, nhiều nông dân lâu năm vẫn thể hiện sự ngần ngại trước những công nghệ mới trong nông nghiệp.

Cần sự đầu tư dài hạn cho nông dân

Trước bối cảnh Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp bắt đầu triển khai trong năm nay, đại diện HTX Vọng Đông rất quan tâm tới sự đầu tư bền vững của nhà nước cho nông dân.

Giám đốc Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh: “Thành công của Đề án đòi hỏi sự phối hợp toàn diện từ trung ương đến địa phương. Trong đó, nông dân đóng vai trò quan trọng, được coi là chủ thể của quá trình phát triển”.

Ông phân tích thêm, nếu nông dân không tham gia và thiếu sự hỗ trợ từ trung ương, dù Đề án cố gắng bao nhiêu cũng sẽ khó đạt được thành công. Sở dĩ, ngay cả khi giá gạo Việt Nam liên tục đạt kỷ lục trên thị trường thế giới, nông dân vẫn đối mặt với nhiều khó khăn bởi nông dân ĐBSCL thường phải mua vật tư nông nghiệp với giá cao, lại thiếu kỹ năng quản lý vốn nên họ nợ nhiều năm chỉ để duy trì sản xuất. Chịu áp lực tài chính, nhiều nông dân không thể thoát khỏi cảnh nghèo, sống trong hoàn cảnh khó khăn.

Nông dân đóng vai trò quan trọng, được coi là chủ thể của quá trình phát triển. Ảnh: TL.

Nông dân đóng vai trò quan trọng, được coi là chủ thể của quá trình phát triển. Ảnh: TL.

“Nông dân là những người nghèo khó nhất, dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Họ không có quyền ấn định giá trị sản phẩm của mình, điều này làm cho họ phải đối mặt với những thách thức rất lớn”, ông Cường bày tỏ.

Giám đốc HTX Vọng Đông đã nhiều lần đề xuất với lãnh đạo địa phương về vấn đề hỗ trợ tài chính cho nông dân. Việc này không chỉ giới hạn ở chuyện mua máy móc, vật tư mà còn cần sự đồng hành lâu dài, theo dõi qua nhiều mùa vụ cho đến khi nông dân có khả năng tự chủ về tài chính. Đặc biệt là trong những năm tới, vùng ĐBSCL sẽ phải đối mặt với biến đổi khí hậu khắc nghiệt và nguy cơ cao về sự xuất hiện của sâu bệnh.

Với những mục tiêu lớn của Đề án nhằm nâng cao toàn chuỗi giá trị lúa gạo, ông Cường cho rằng, cần tiếp tục thực hiện các hoạt động cụ thể để thuyết phục nông dân tham gia một cách tích cực.

Ông đề xuất nhà nước có thể thiết lập cơ chế hỗ trợ về lãi suất vay cho nông dân dựa trên cam kết hợp đồng giữa HTX và doanh nghiệp. Theo Giám đốc Cường, khoản hỗ trợ này giúp nông dân không phải chịu áp lực lãi suất vay khi mua vật tư nông nghiệp. Khi đó, uy tín của HTX đóng vai trò lớn để đảm bảo nguồn lực cho người trồng lúa.

Theo ông Cường, để phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững, ổn định, HTX trên cả nước cùng doanh nghiệp cần thiết lập các điều kiện giúp nông dân có lợi. Một mặt, nông dân sẽ có đầu ra ổn định. Mặt khác, doanh nghiệp được giám sát, chuẩn hóa quy trình sản xuất dựa trên tiêu chuẩn thị trường trong nước và quốc tế. Điều này giúp đảm bảo cho nông dân đang tham gia có điều kiện sản xuất tốt và tuân thủ đúng các quy định, đóng góp vào thành công của Đề án 1 triệu ha lúa mà cả nước đang hướng tới.