Đồng Nai chọn nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao là nhiệm vụ đột phá
29-10-2024 08:10Đồng Nai lấy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm là 1 trong 4 nhiệm vụ đột phá.
Vật tư hóa chất giảm mạnh
Là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai luôn đặt nông nghiệp xanh, nông dân thông minh, nông thôn hiện đại ở vị trí chiến lược trong phát triển.
Đồng Nai đang định hướng phát triển nền nông nghiệp xanh và bền vững thông qua các giải pháp như tập huấn nông dân ứng dụng IMO vào sản xuất. Ảnh: Trần Trung.
Đồng Nai đang định hướng phát triển nền nông nghiệp xanh thông qua nhiều giải pháp và chính sách tập trung vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu này, Đồng Nai chú trọng đến việc áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giảm thiểu việc sử dụng hóa chất và phân bón hóa học, khuyến khích nông dân sử dụng các biện pháp sinh học để cải thiện chất lượng đất và quản lý sinh vật hại.
Bên cạnh đó, tỉnh đang đẩy mạnh việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang đáp ứng các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.... nhằm nâng cao chất lượng nông sản, tạo đầu ra ổn định ở thị trường trong nước và quốc tế. Đồng Nai cũng hỗ trợ nông dân thông qua các chương trình đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật và kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và quản lý cũng là một trong những hướng đi chủ lực để đảm bảo sản xuất hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường.
Các giải pháp này không chỉ giúp bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn tạo thu nhập ổn định hơn cho nông dân, hướng tới nền nông nghiệp thông minh, hiệu quả và bền vững.
Nông dân Đồng Nai mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm sạch. Ảnh: Trần Trung.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tình trạng thâm dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp đã giảm, hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất tăng. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt 45,5%; ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây trồng trên 59.000ha - chiếm hơn 31% tổng diện tích cây trồng chủ lực của tỉnh. Hơn 1.400ha đất lúa kém hiệu quả được chuyển sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn cả về kinh tế và môi trường", ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết.
Nông nghiệp hướng hữu cơ vượt nhiều lần mục tiêu
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, sản xuất nông nghiệp hiện nay của tỉnh không chỉ dừng ở việc tập trung nâng cao năng suất, chất lượng mà còn phải hướng đến bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, bảo đảm an toàn thực phẩm. Do đó, phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng đi đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm chất lượng ngày càng cao. Tỉnh Đồng Nai đã có nhiều quyết sách hỗ trợ ngành nông nghiệp chuyển sang hướng này.
Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Đồng Nai từng bước có chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: Trần Trung.
Theo đó, nổi bật có thể kể đến đề án "Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế". Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh Đồng Nai đóng vai trò kiến tạo để giúp người sản xuất và doanh nghiệp có thể chuyển đổi và định hướng phát triển phù hợp trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; tập trung phát triển các sản phẩm và phân khúc thị trường có lợi thế cạnh tranh; xây dựng các kênh phân phối bền vững, giữ vững thị trường trong tỉnh, trong nước, bảo vệ sinh kế cho người dân sản xuất nông nghiệp.
Đề án cũng đã xác định các nhóm giải pháp gắn với từng giai đoạn cụ thể, kinh phí thực hiện để thúc đẩy phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp trên cơ sở đánh giá tác động của hội nhập quốc tế, thực trạng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nhờ đó, tỉnh thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có gần 2,1 ngàn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực như: Sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi... Các doanh nghiệp này từng bước chuyển đổi sang hướng sản xuất xanh, bền vững.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm” là 1 trong 4 nhiệm vụ đột phá.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai quan tâm các sản phẩm OCOP từ nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Trần Trung.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 9 mô hình trồng rau, hồ tiêu, sầu riêng, bưởi, dưa hấu, đu đủ, ổi, ớt được cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ với diện tích gần 29ha. Đồng thời, tỉnh cũng có 122 mô hình, vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với tổng diện tích gần 2,5 ngàn ha, vượt gấp nhiều lần so với mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2025.
“Kết quả trên là do sự nỗ lực của tỉnh, của các địa phương, doanh nghiệp, nông dân trong học hỏi kinh nghiệm trong nước, nước ngoài để ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp. Mục đích tỉnh hướng đến là nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn, ít phát thải”, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai chia sẻ.