Trang chủ / Tin tức
Tin tức

Triển khai nhiều giải pháp phòng, chống hạn, mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long 2020 – 2021

21-09-2020 08:09

Dự báo hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 gần tương đương mùa khô năm 2020 và cao hơn mùa khô năm 2016. Đó là thông tin Tổng Cục Thủy lợi trình bày tại Hội nghị triển khai giải pháp phòng, chống hạn, mặn và công tác quản lý cấp mã số vùng trồng cho cây ăn quả vùng Đồng bằng sông Cửu Long 2020 – 2021 do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Tiền Giang ngày 17/9/2020.

 
Các đại biểu tham dự hội nghị

Theo Tổng Cục Thủy lợi thì tổng lượng mưa tích lũy trên lưu vực sông Mê Kông từ đầu mùa mưa, tính từ ngày 01/6/2020 đến cuối tháng 8/2020 bình quân mới đạt gần 731 mm, so với cùng thời kỳ năm 2019 thấp gần 22%, so với TBNN thấp hơn 24%. 

Đồng thời, theo nhận định của các cơ quan khí tượng thủy văn trong nước và trên thế giới, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Kông các tháng còn lại của năm 2020 khả năng ở mức cao hơn TBNN từ 15-30%. Với dự báo này thì nguồn nước thiếu hụt trên lưu vực được bù đắp bằng lượng mưa muộn. Tuy nhiên, xét trung bình lượng mưa năm 2020 trên toàn lưu vực thì vẫn có khả năng thiếu hụt so với TBNN từ 5-15%.

Điều đáng quan tâm hơn là, nguồn nước về ĐBSCL có tới 95% tổng lượng từ thượng lưu sông Mê Kông (bên ngoài lãnh thổ), chỉ có 5% từ nội sinh trong nước. Trong thời kỳ mùa khô, từ tháng 12 đến hết tháng 4 hàng năm, nguồn nước ở ĐBSCL phụ thuộc gần như hoàn toàn vào dòng chảy từ thượng lưu sông Mê Công. Thế nhưng, kể từ đầu mùa mưa lũ đến nay, dòng chảy trên lưu vực sông Mê Kông đều ở mức rất thấp do lượng mưa bị thiếu hụt. Mực nước trên dòng chính sông Mê Kông tại trạm Kratie (trạm đầu châu thổ Mê Kông, cách trạm Tân Châu gần 300 km) ngày 05/9/2020 so với cùng thời điểm năm 2019 thấp hơn 7,7 m, so với năm 2015 thấp hơn 3,3 m và thấp hơn 4,96 m so với TBNN thời kỳ 1980-2018.

Cộng vào đó, chế độ nước trong Biển Hồ (Tonle Sap) là nguồn nước quan trọng bổ sung cho ĐBSCL trong các tháng mùa khô hiện cũng đang có mức trữ thấp.

 

Với nhận định về mưa, dòng chảy trên lưu vực như trên, năm 2020 được dự báo tiếp tục là năm ít nước, lũ về ĐBSCL nhỏ. Trên cơ sở đó, theo tính toán của các cơ quan khoa học thuộc Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021, dự kiến có thể xảy ra hai kịch bản sau:

- Kịch bản 1: Mưa trên lưu vực sông Mê Kông xuất hiện như dự báo của một số tổ chức khí tượng quốc tế (các tháng cuối năm 2020 lượng mưa cao hơn TBNN), khả năng xảy ra xâm nhập mặn ở mức nặng đến rất nặng, phạm vi xâm nhập mặn 4 g/lít, sâu nhất ở các cửa sông Cửu Long từ 55-65 km xuất hiện từ tháng 2, 3/2021, sâu hơn TBNN từ 15-20 km, thấp hơn năm 2015-2016 từ 5-8 km, thấp hơn năm 2019-2020 từ 7-13 km. Theo đó, xâm nhập mặn lớn nhất có khả năng ảnh hưởng đến gần 50.000 ha diện tích cây ăn trái, nặng nhất là ở các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng.

- Kịch bản 2: Mưa trên lưu vực sông Mê Kông tiếp tục ở mức thiếu hụt như đã xảy ra từ đầu mùa mưa đến nay, khả năng xảy ra xâm nhập mặn ở mức rất nặng đến nghiêm trọng, phạm vi xâm nhập mặn sâu nhất ở các cửa sông Cửu Long từ 60-70 km xuất hiện từ tháng 2, 3/2021, sâu hơn TBNN từ 20-25 km, ở mức tương đương với năm 2015-2016, một số thời điểm ngắn hạn ở mức tương đương năm 2019-2020. Theo đó, xâm nhập mặn lớn nhất có khả năng ảnh hưởng đến gần 82.000 ha diện tích cây ăn trái, nặng nhất là ở các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang.

Trước dự báo trên, một số giải pháp đã được Cục Trồng trọt đưa ra tại Hội nghị:

Giải pháp trước mắt:

1. Cập nhật hàng ngày diễn biến thời tiết, nguồn nước, kịp thời phát hiện xâm nhập mặn. Đo độ mặn trước khi lấy nước. Trong thời gian nhiễm mặn chỉ tưới tối thiểu, giúp cây không bị héo và mặt đất không khô nứt (kéo dài thời gian giữa hai lần tưới, giảm số lần tưới và lượng nước tưới).

2. Rà soát diện tích từng loại cây ăn quả và từng huyện, hướng dẫn người dân tính toán, cân đối nguồn nước tưới trong thời gian ảnh hưởng xâm nhập mặn, chủ động trữ nước ngọt thông qua hệ thống cống, đập, bờ kè, các hồ, kênh, mương; đào ao, nạo vét các kênh, mương trong vườn để trữ nước, sử dụng các túi nước, sử dụng nguồn nước tiết kiệm bằng tưới nhỏ giọt, phun sương…

3. Che phủ đất trong mùa khô bằng vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình,…), màng phủ nông nghiệp phủ gốc. Nên để cỏ phủ trên vườn, hạn chế làm cỏ giảm bốc hơi nước. Cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa khi gặp điều kiện khô hạn, thiếu nước tưới để hạn chế bốc, thoát hơi nước.

4. Tăng sử dụng phân hữu cơ, khi bị nhiễm mặn nên bón bổ sung phân sulphate kali (K2SO4), vôi bột lượng 500 - 1.000 kg/ha. Nếu hạn, mặn kéo dài phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường chống chịu như: KNO3 (10 g/lít nước), brassinosteroid (Nyro 0,01N, Super Humic,…), phân có chứa các nguyên tố canxi, magiê, silic giúp tăng đề kháng của cây.

5. Không xử lý ra hoa rải vụ, trồng mới trong thời gian hạn, mặn nếu nguồn nước ngọt không đủ.

6. Hướng dẫn giải pháp rửa mặn, cải tạo đất phục hồi vườn cây đã bị ảnh hượng hạn, mặn sau mùa khô 2019-2020.

7. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm và giữ vệ sinh nguồn nước, không xả rác và nước nhiễm bẩn vào nguồn cung cấp nước, hạn chế ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp giúp người dân nắm bắt thông tin diễn biến xâm nhập mặn được kịp thời.

Giải pháp lâu dài:

1. Rà soát quy hoạch thủy lợi làm căn cứ phát triển cây ăn quả phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng các phương án và giải pháp bảo vệ từng vùng cây ăn quả phù hợp mức độ ảnh hưởng hạn, mặn khác nhau.

2. Đánh giá tính thích nghi, phát huy hiệu quả của một số cây cây ăn quả phù hợp từng loại đất sản xuất ở vùng sinh thái Thượng, vùng Giữa và vùng Hạ, đề xuất định hướng và biện pháp phát triển cây ăn quả phù hợp, thích ứng lâu dài.

3. Tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các kỹ thuật thiết kế vườn phù hợp điều kiện canh tác vùng ĐBSCL, cải tạo vườn thích ứng tình hình cung cấp nguồn nước và phát triển vùng trồng.

4. Nghiên cứu giải pháp kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất, bảo vệ cây ăn quả trước khô hạn, xâm nhập mặn; chú trọng thiết kế tỷ lệ mương, liếp phù hợp để trữ nước ngọt, đảm bảo nước tưới trong mùa khô.

5. Đầu tư xây dựng khép kín các hệ thống thủy lợi vùng trồng cây ăn quả và lắp đặt thiết bị giám sát độ mặn tự động; nâng cao năng lực dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước, kịp thời cung cấp thông tin, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng giai đoạn.

Về phía Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, thực hiện chức năng của mình, PGS.TS Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm cho biết kế hoạch trong thời gian tới của đơn vị như sau:

- Phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, các Viện, Trường tiếp tục cập nhật thông tin và điều chỉnh các giải pháp phù hợp hơn, tiếp tục xây dựng các bộ tài liệu và thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền, đào tạo để nhanh chóng đưa các giải pháp kỹ thuật này vào sản xuất. Đồng thời, sẽ biên tập, tư liệu hóa các giải pháp trữ nước theo ý kiến của Tổng Cục Thủy lợi để chuyển giao vào sản xuất nếu có sự phối hợp và thống nhất từ cơ quan chuyên ngành;

- Đề nghị lãnh đạo Bộ cho phép phối hợp với Viện cây ăn quả miền Nam xây dựng các vườn mẫu về các giải pháp phòng, chống hạn, mặn trên một số cây ăn quả chủ lực để làm cơ sở cho công tác truyền thông, đào tạo và nhân rộng ra sản xuất;

- Đối với Trung tâm Khuyến nông/ Trung tâm Dịch vụ NN địa phương, đề nghị:

     + Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cập nhật các thông tin, giải pháp kỹ thuật mới từ các cơ quan trung ương, các viện, trường, cơ quan nghiên cứu để chuyển tải kịp thời vào sản xuất;

     + Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về công tác truyền thông và đào tạo; tiếp nhận các tư liệu, thông tin từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để chuyển giao, giới thiệu đến người sản xuất thường xuyên hơn;

     + Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trong việc tiếp cận và chia sẻ các mô hình mới, các giải pháp kỹ thuật mới giữa các vùng, miền.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh chỉ đạo tại hội nghị

Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh chỉ đạo:

- Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thủy lợi, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện cây ăn quả miền Nam tiến hành khảo sát, xác định vùng cây ăn quả có khả năng bị ảnh hưởng hạn, mặn một cách cụ thể;

- Cục Trồng trọt chủ trì tập hợp tài liệu từ các cơ quan nghiên cứu biên soạn và ban hành quy trình phục hồi và quy trình phòng, chống hạn, mặn trên cây ăn quả, giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia in ấn và chuyển giao cho sản xuất;

- Tổng Cục Thủy lợi thường xuyên cập nhật tình hình hạn, mặn và thông tin cho các địa phương, đồng thời chỉ đạo các Chi cục Thủy lợi vận hành tốt các công trình thủy lợi trong vùng để ứng phó kịp thời, hiệu quả với hạn, mặn;

- Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ động phối hợp và vận hành hệ thống khuyến nông trong vùng tăng cường công tác truyền thông, đào tạo, đáp ứng chức năng, nhiệm vụ được giao;

- Các viện, trường cần sâu sát và thực tiễn hơn, tăng cường phối hợp và kết nối trong nghiên cứu–chuyển giao, đáp ứng kịp thời sản xuất phát triển trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Ngô Văn Đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

(nguồn:khuyennongvn)